1. Về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác.
Tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết số 326) có quy định rất rõ: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như “Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.”
Có nghĩa là, cả hai vợ chồng đều phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và kể cả nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng nếu như không thỏa thuận được. Điều chúng ta đặc biệt chú ý ở đây là tính án phí đối với việc “chia toàn bộ tài sản chung” chứ không phải là đối với phần tài sản chung sau khi đã trừ phần nghĩa vụ tài sản chung của hai vợ chồng.
Như vậy, theo ví dụ tác giả đưa ra, anh T và chị N phải chịu án phí chia tài sản chung của anh T và chị N như sau: (600.000.000 đồng : 2) x 5% = 15.000.000 đồng.
Vướng mắc thứ hai, tác giả đưa ra về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác, đó là trong trường hợp vợ chồng có có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác nhưng vợ chồng tự thỏa thuận được việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác. Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326 thì anh T và chị N không phải chịu án phí chia tài sản chung của anh T và chị N, cũng như nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác (do đã thỏa thuận được tất cả). Nghị quyết quy định rõ khi một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự mới phải chịu án phí.
Ảnh minh họa |
2. Về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án ly hôn
Tại khoản 1,2, 3, Điều 157 của BLTTDS năm 2015 quy định:“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:
1. Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
3. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.”
Như vậy, Bộ luật quy định rõ, trong vụ án dân sự trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ phai do đương sự chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận; trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Riêng trong vụ án hôn nhân gia đình thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Do đó, mặc dù bị đơn là người yêu cầu chia tài sản nhưng nguyên đơn vẫn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Theo tác giả, vướng mắc khác đặt ra nữa là cụm từ “Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ” trong quy định tại khoản 3 Điều 157 của BLTTDS năm 2015 được hiểu như thế nào. Theo tôi, khi đương sự thỏa thuận được tất cả các vấn đề trong vụ án thì vợ, chồng sẽ chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Bởi lẽ, theo Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định thuận tình ly hôn như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
3. Về nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản trong vụ án ly hôn
Tại Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá” như sau:
“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:
1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.”
Như vậy, trong vụ án dân sự nói chung và vụ án hôn nhân gia đình nói riêng, người nào yêu cầu định giá tài sản thì phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận; Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Như vậy, nếu trong vụ án ly hôn mà vợ chồng có tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng (giả sử nguyên đơn là người yêu cầu chia tài sản) thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản do vợ, chồng được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia. Bởi lẽ, Luật quy định khi có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng (chỉ cần có yêu cầu của nguyên đơn, hay bị đơn, hoặc cả hai) thì cả nguyên đơn và bị đơn đều phải chịu chi phí định giá tài sản và thẩm định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Tác giả bài viết: Hải Anh
Nguồn tin: Phòng 9 VKSND tỉnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 215
•Máy chủ tìm kiếm : 102
•Khách viếng thăm : 113
Hôm nay : 34672
Tháng hiện tại : 134350
Tổng lượt truy cập : 16957951