11:18 ICT Thứ ba, 16/04/2024

DANH MỤC CHÍNH

LIÊN KẾT BANNERS

Trung tâm Trọng tài Thương mại Cao nguyên
Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk
Văn bản pháp luật CĐĐH
Bộ Pháp điển
Công báo chính phủ
Trang chọn giải pháp

Trang chủ » Tin tức » Danh mục Dịch vụ

Quảng cáo giữa trang

Dự thảo hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm

Thứ sáu - 04/01/2019 10:54
TANDTC đã công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm, để lấy ý kiến đóng góp. Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại về lãi suất, phạt vi phạm trong giao dịch dân sự, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án. Xin giới thiệu nội dung cơ bản của dự thảo.

I. Áp dụng pháp luật về lãi suất trong giao dịch dân sự

1.Pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tiền và trong giao dịch dân sự khác không phải là hợp đồng tín dụng (sau đây gọi là giao dịch dân sự) được áp dụng như sau:

Giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 01-01-2006 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực) đến trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì thỏa thuận về lãi suất phải phù hợp với quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định tương ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản có hiệu lực tại thời điểm xác lập giao dịch, thời điểm tính lãi suất, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

a. Trường hợp thỏa thuận về lãi suất phù hợp với trần lãi suất quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định tương ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản thì tiền lãi được xác định theo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ví dụ 1: Ngày 20-2-2013, A ký hợp đồng cho B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay 3 tháng, lãi suất thỏa thuận là 1,1%/tháng tương ứng với lãi suất 13,2%/ năm. Mức lãi suất cho vay hai bên thỏa thuận không vượt quá 13,5%/năm phù hợp với Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm).

b. Trường hợp thỏa thuận về lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, tiền lãi được xác định theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

2. Giao dịch dân sự được giao kết từ ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì thỏa thuận về lãi suất phải phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

a. Trường hợp thỏa thuận về lãi suất phù hợp với trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay), thì tiền lãi được xác định theo thỏa thuận, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

b. Trường hợp thỏa thuận về lãi suất vượt quá mức trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, tiền lãi được xác định bằng 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất bằng 20%/năm của khoản tiền vay được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

c. Trường hợp có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm của khoản tiền vay) tại thời điểm trả nợ.

3. Việc áp dụng pháp luật để xác định lãi suất đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) như sau:

a. Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận lãi suất phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) thì áp dụng quy định của BLDS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2015. Ví dụ 1: Ngày 20-2-2016, A ký hợp đồng cho B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay 36 tháng (03 năm), lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng tương ứng với lãi suất 18%/năm; hợp đồng có hiệu lực và đang được hai bên thực hiện. Mức lãi suất cho vay hai bên thỏa thuận vượt quá 13,5%/năm (theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm) nhưng phù hợp với mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay). Trường hợp này, Tòa án áp dụng Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để công nhận mức lãi suất 18%/ năm do các bên thỏa thuận.

b. Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất không phù hợp với quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) thì khi giải quyết tranh chấp, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để giải quyết, trừ trường hợp hợp đồng chưa được thực hiện mà các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định của BLDS năm 2015. Ví dụ 2: Tình huống tương tự như Ví dụ 1 nhưng lãi suất các bên thỏa thuận là 2%/tháng tương ứng với lãi suất 24%/năm. Trường hợp này, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì Tòa án áp dụng Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để không công nhận mức lãi suất vượt quá (4%) mà chỉ công nhận mức lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay (mức trần lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015).

c. Giao dịch dân sự có thỏa thuận về lãi suất đã thực hiện xong trước ngày 01-01-2017 mà có tranh chấp thì áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết. Ví dụ 3: Ngày 20-12-2015, A ký hợp đồng cho B vay 8.000.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng (01 năm), lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng tương ứng với lãi suất 18%/ năm; hợp đồng có hiệu lực và đã được hai bên thực hiện xong. Ngày 20-02-2018, B khởi kiện yêu cầu A trả lại tiền lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm). Trường hợp này, Tòa án áp dụng Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để không công nhận mức lãi suất vượt quá (4,5%) mà chỉ công nhận mức lãi suất 13,5%/năm của khoản tiền vay (150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố).

4.Giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất thì lãi suất được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi suất và hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

II. Về lãi đối với nợ gốc quá hạn, nợ lãi quá hạn trong giao dịch dân sự

1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 01-01-2006 đến trước ngày 01-01-2017, khi giải quyết tranh chấp, tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn và thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn được xác định như sau:

a. Tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn

* Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả lãi trên nợ gốc quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm) tương ứng với thời gian chậm trả, nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi đối với nợ gốc quá hạn. Nguyên tắc tính lãi đối với nợ gốc quá hạn là chỉ tính lãi trên nợ gốc quá hạn, không tính lãi trên lãi. Tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả = (Nợ gốc quá hạn chưa trả) x (Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ tính theo năm) x (Thời gian chậm trả tính theo ngày từ thời điểm chậm trả nợ đến thời điểm xét xử sơ thẩm)/(Tổng số ngày trong năm).

** Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận tương ứng với thời gian chậm trả từ khi nợ quá hạn đến thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm). Trường hợp không có thỏa thuận thì lãi đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm) tương ứng với thời gian chậm trả từ khi nợ quá hạn đến thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm). Nguyên tắc tính lãi đối với nợ gốc quá hạn là chỉ tính lãi trên nợ gốc quá hạn, không tính lãi trên lãi. Lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận) hoặc (150% x lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả).

b. Thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn

* Trường hợp vay không có thời hạn thì thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn bắt đầu kể từ khi đòi nợ (phát sinh tranh chấp) (ngày tiếp theo của ngày đòi nợ, ngày phát sinh tranh chấp) đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án sơ thẩm);

** Trường hợp vay có thời hạn thì thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn bắt đầu kể từ khi hết thời hạn vay (ngày tiếp theo của ngày hết hạn vay) đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án sơ thẩm), trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ ngày 01-01-2017, khi giải quyết tranh chấp, tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn và thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn được xác định như sau: 

a. Tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn

* Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm của khoản tiền vay) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả từ khi nợ quá hạn đến thời điểm trả nợ (thời điểm xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

** Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả theo mức lãi suất bằng 150% mức lãi suất do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận) hoặc (150% x lãi suất vay theo hợp đồng) x (thời gian chậm trả), trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ lãi trên nợ gốc trong hạn thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền lãi đối với phần tiền lãi quá hạn chưa trả bằng 50% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Tiền lãi đối với phần tiền lãi chậm trả = (Tiền lãi quá hạn chưa trả) x (Lãi suất nợ lãi chậm trả theo thỏa thuận tính theo năm hoặc Trần lãi suất nợ lãi chậm trả tính theo năm là 5%/năm) x (Thời gian chậm trả tính theo ngày từ thời điểm chậm trả nợ đến thời điểm xét xử sơ thẩm)/(Tổng số ngày trong năm).

Phương án 1: b) Các bên chỉ có thể thoả thuận lựa chọn về việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ để tính lãi của thời gian vay tiếp theo. Các trường hợp khác đều phải tính nợ gốc theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Phương án 2: b) Các bên có thể thoả thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc một hoặc nhiều lần để tính lãi của thời gian vay tiếp theo. Nợ gốc sau khi được nhập lãi được tính lãi theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

c. Thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này.

Trường hợp giao dịch, hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với nợ gốc quá hạn, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất trung bình của loại vay tương ứng của ít nhất 03 tổ chức tín dụng có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

III. Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng tín dụng 

1. Lãi suất trong hợp đồng cho vay giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là hợp đồng tín dụng) do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất. Không áp dụng quy định về trần lãi suất cho vay của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2005 đối với hợp đồng tín dụng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

1. Pháp luật áp dụng để xác định lãi suất trong hợp đồng tín dụng như sau:

a. Hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01-01-2006 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực) thì lãi suất áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004), văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất có hiệu lực để xác định lãi suất.

b. Hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01-01-2006 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực) đến trước ngày 01-01-2011 (ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực) thì áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004), văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất đang có hiệu lực để xác định lãi suất.

c. Hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01-01-2011 (ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực) thì áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất đang có hiệu lực để xác định lãi suất.

Trường hợp thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng cao hơn mức lãi suất trần tương ứng do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với loại cho vay tương ứng thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, lãi suất được xác định theo mức lãi suất tối đa do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá quy định được trừ vào tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi, số tiền lãi đã trả vượt quá nợ gốc được trả lại cho khách hàng vay.

 IV. Về lãi đối với nợ gốc quá hạn, lãi đối với nợ lãi quá hạn trong hợp đồng tín dụng

 1. Trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất quá hạn phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất quá hạn áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất quá hạn thì khi giải quyết tranh chấp, tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn được tính theo thỏa thuận của các bên.

2. Trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất quá hạn vượt quá mức trần lãi suất quá hạn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về trần lãi suất quá hạn áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất quá hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, lãi suất quá hạn được xác định bằng mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất quá hạn; tiền lãi đã trả được tính lại, số tiền lãi đã trả vượt quá mức trần lãi suất được trừ vào tiền nợ gốc từ thời điểm trả lãi.

3. Trường hợp các bên không thỏa thuận lãi suất quá hạn thì lãi suất áp dụng đối với nợ gốc quá hạn bằng mức lãi suất trong hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn và thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn được xác định như sau:

a. Tiền lãi đối với nợ gốc quá hạn chưa trả = (Nợ gốc quá hạn chưa trả) x (Lãi suất nợ quá hạn theo thỏa thuận tính theo năm hoặc Trần lãi suất nợ quá hạn tính theo năm) x (Thời gian chậm trả tính theo ngày từ thời điểm chậm trả nợ đến thời điểm xét xử sơ thẩm)/(Tổng số ngày trong năm). Trường hợp đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ lãi trên nợ gốc trong hạn thì bên vay chỉ phải trả tiền lãi đối với phần tiền lãi quá hạn chưa trả nếu các bên có thỏa thuận và tại thời điểm chậm trả nợ lãi pháp luật cho phép các bên thỏa thuận việc trả tiền lãi đối với phần tiền lãi chậm trả.

Tiền lãi đối với phần tiền lãi chậm trả = (Tiền lãi quá hạn chưa trả) x (Lãi suất nợ lãi chậm trả theo thỏa thuận tính theo năm hoặc Trần lãi suất nợ lãi chậm trả tính theo năm) x (Thời gian chậm trả tính theo ngày từ thời điểm chậm trả nợ đến thời điểm xét xử sơ thẩm)/(Tổng số ngày trong năm).

b. Thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn:

* Trường hợp vay không có thời hạn thì thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn bắt đầu kể từ khi đòi nợ (phát sinh tranh chấp) (ngày tiếp theo của ngày đòi nợ, ngày phát sinh tranh chấp) đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án sơ thẩm);

** Trường hợp vay có thời hạn thì thời gian tính lãi đối với nợ gốc quá hạn bắt đầu kể từ khi chậm trả nợ (ngày tiếp theo của ngày chậm trả nợ) đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án sơ thẩm), trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay thì lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi suất và hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng tín dụng về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời gian vay tiếp theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này.

 V. Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là tiền

 1.Hợp đồng, giao dịch vay tài sản không phải là tiền có thỏa thuận thỏa thuận thanh toán lãi suất cho vay bằng tiền hoặc bằng tài sản khác không phải là tiền thì áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Điều 2, Điều 3 Nghị quyết này để tính lãi suất, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng vay tài sản là vàng có thỏa thuận thanh toán lãi suất cho vay bằng tiền hoặc bằng tài sản khác không phải là tiền thì xử lý như sau: 

a. Đối với giao dịch dân sự không phải là hợp đồng tín dụng thì áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Điều 2, Điều 3 Nghị quyết này để tính lãi suất.

b. Đối với hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01-5-2011 (ngày Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29-4-2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng có hiệu lực) thì hợp đồng vay này không bị vô hiệu. Trường hợp có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng quy định tương ứng của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn tại Điều 4, Điều 5 Nghị quyết này để xác định lãi suất.

c. Đối với hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01-5-2011 (ngày Thông tư số 11/2011/ TT-NHNN ngày 29-4-2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng có hiệu lực) thì hợp đồng này vô hiệu, trừ trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 1 Thông tư số 24/2012/TT-NHNN ngày 23-8-2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29-4-2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Tòa án áp dụng quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu để giải quyết.

VI. Về phạt vi phạm trong hợp đồng 

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm cho bên bị vi phạm phát sinh kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Mỗi hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng chỉ được thỏa thuận phạt vi phạm một lần. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức phạt trong trường hợp luật liên quan có quy định.

2. Trường hợp các bên có tranh chấp về việc phạt vi phạm (về thỏa thuận phạt vi phạm, nghĩa vụ bị vi phạm, thời điểm phạt vi phạm, mức phạt vi phạm) thì khi giải quyết tranh chấp nếu xác định bên vi phạm có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm thì Tòa án quyết định bên vi phạm có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền phạt vi phạm, không phải thanh toán tiền lãi trên số tiền phạt vi phạm chưa trả.

3. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi mà đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm. Trường hợp vừa có thỏa thuận phạt vi phạm vừa có thỏa thuận áp dụng lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi của bên vay thì Tòa án chỉ xem xét chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác tùy thuộc vào yêu cầu của bên cho vay.

VII.Về nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án 

Phương án 1: Khi giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, Toà án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất như sau:

Phương án 2: Khi giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, Toà án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất như sau:

1. Đối với giao dịch dân sự không phải là hợp đồng tín dụng thì bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (20%/năm); nếu không có thỏa thuận thì theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/ năm) tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Đối với hợp đồng tín dụng thì bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hoặc nếu không có thỏa thuận thì theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/ năm) tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà bên vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.

Đề nghị quý vị độc giả tham gia, đóng góp ý kiến để dự thảo hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu thiết thực về áp dụng quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm hiện nay.

(Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân tối cao điện tử, đăng ngày 29 tháng 12 năm 2018)

Tác giả bài viết: Hải Anh (st)

Nguồn tin: Phòng 9 VKSND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

LIÊN KẾT WEBSITE

THÔNG BÁO

1. Lịch thi tuyển công chức năm 2020 lần 02 vòng trung kết.

2. Yêu cầu thống kê phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV.

3. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

4. Chỉ thị về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của VKSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Học & làm theo tấm gương Bác

THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 137

Máy chủ tìm kiếm : 33

Khách viếng thăm : 104


Hôm nayHôm nay : 16719

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 402405

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8387757