Những nội dung cơ bản của Luật Đặc xá năm 2018
- Thứ ba - 18/12/2018 16:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Luật Đặc xá năm 2018 kế thừa, phát huy truyền thông nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Nhà nước, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện đặc xá những năm qua.
Luật Đặc xá năm 2018 gồm 6 chương, 39 điều; so với Luật Đặc xá năm 2007 đã tăng 03 điều (trong đó bỏ 02 điều, bổ sung 05 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều; với bố cục và nội dung cơ bản như sau:
1. Những quy định chung: Gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thực hiện đặc xá; thời điểm đặc xá; chính sách của Nhà nước trong đặc xá và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá.
2. Đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước: Gồm 14 điều (từ Điều 8 đến Điều 21), chia thành 03 mục; quy định về trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; công bố, thông báo, niêm yết Quyết định về đặc xá; thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành; điều kiện của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; quyền, nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; hồ sơ đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; quy định chi tiết, hương dẫn về trình tự, thủ tục lập danh sách, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá.
3. Đặc xá trong trường hợp đặc biệt: Gồm 03 điều (từ Điều 22 đến Điều 24) quy định về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt và thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá: Bao gồm 11 điều (từ Điều 25 đến Điều 35), quy định về trách nhiệm của Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên; Hội đồng tư vấn đặc xá; Tổ thẩm định liên ngành.
5. Khiếu nại, tố cáo: Gồm 03 điều (từ Điều 36 đến Điều 38) quy định về khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đặc xá.
6. Điều khoản thi hành: Gồm 01 điều (Điều 39), quy định về hiệu lực thi hành.
Luật Đặc xá chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.