Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời thẳng thắn, đầy đủ các chất vấn của Đại biểu Quốc hội
- Thứ tư - 31/10/2018 16:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 30/10, sau khi báo cáo Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã trả lời thẳng thắn, trọng tâm và ngắn gọn nhiều câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao.
Tạm đình chỉ, đình chỉ cũng có mặt tích cực
Dẫn số liệu về các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và càng ngày gia tăng, hơn 12.000 vụ và hơn 2.000 bị can, tăng 4% về số vụ và tăng 6,7% số bị can. Trong đó, có một số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định hỏi Viện trưởng VKSND tối cao có giải pháp đột phá gì để khắc phục?
Người đứng đầu ngành KSND khẳng định đây là trách nhiệm của ngành và cho biết sẽ áp dụng những biện pháp tiếp theo để hạn chế, cụ thể: Kiểm sát quá trình giải quyết xử lý tin báo tố giác tội phạm ngay từ đầu; kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra và truy tố; tiếp tục thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh để hạn chế bớt sai sót.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cũng có mặt tích cực, đặc biệt đối với tội phạm ma túy, tội tham nhũng, cướp, giết, hiếp, ngay cả tội đánh bạc, nếu không khởi tố, không bắt thì không thể điều tra được. Sau đó, sẽ phân loại, rà soát; sẽ có việc chúng ta thấy không đủ yếu tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ là để đảm bảo ngăn chặn oan, sai.
Viện trưởng cho biết thêm, năm 2017, đã ban hành chỉ thị yêu cầu 63 Viện trưởng của 63 VKSND tỉnh thành rà soát lại toàn bộ vụ việc tạm đình chỉ để xem xét giải quyết.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chất vấn về chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; nguyên nhân và giải pháp khắc phục đối với số vụ Tòa án trả hồ sơ và Viện kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung là 1.590 vụ, nhiều gấp 2 lần số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, vẫn còn 3.368 tố giác vi phạm, thời gian giải quyết tăng 193%.
Báo cáo giải trình 2 nội dung đại biểu băn khoăn về chất lượng kiểm sát điều tra, Viện trưởng VKSND tối cao cung cấp thêm một số thông tin để đại biểu cũng như Quốc hội an tâm. Do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chặt chẽ việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã gây áp lực rất lớn. Cơ quan điều tra công an cũng như Viện kiểm sát coi đây là một nhiệm vụ quan trọng . Thực tế trong năm 2018, toàn ngành Kiểm sát đã tập trung kiểm sát giải quyết 120.142 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng 6.627 tin báo tội phạm, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2017; đã trực tiếp kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm khi khởi tố 1.218 lượt, tăng 13,2%. Qua đó, đã ban hành 1.225 kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật, tăng 17,7%. Yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 665 vụ, tăng 31,2%.
Xử lý tin báo, tố giác tội phạm là nhiệm vụ chủ yếu của Cơ quan điều tra, còn kiểm sát là kiểm sát quá trình thụ lý giải quyết tin báo, tố giác đó. Việc có 3.386 phát hiện vi phạm thời hạn giải quyết đó chính là Viện kiểm sát các cấp phát hiện chậm thời hạn đó và Viện kiểm sát đã kịp thời ban hành 1.225 kiến nghị để cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, tăng tới 184 kiến nghị và 17,7% so với năm 2017.
Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương "ba lần thay đổi tội danh" do xuất hiện những tình tiết, chứng cứ mới
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu câu hỏi chất vấn liên quan đến việc vụ bác sĩ Hoàng Công Lương "ba lần thay đổi tội danh".
Viện trưởng Lê Minh Trí nói đây là vụ án phức tạp, hậu quả rất nghiêm trọng, làm chết 9 người. Trong quá trình tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cả Toà án xác định tội danh. Việc đánh giá chứng cứ, xác định khung hình phạt tối đa, tối thiểu có thể thay đổi khi xuất hiện những tình tiết chứng cứ mới.
Ngoài ra, theo Viện trưởng VKSND tối cao, trong quá trình điều tra, truy tố vụ án trên có những bị can phản cung, thay đổi lời khai; phát sinh một số tài liệu, chứng cứ có nghi vấn cần làm rõ nên việc điều chỉnh tội danh là đảm bảo đúng bản chất tội phạm, không làm oan, không làm lọt, là lẽ đương nhiên với những vụ án phức tạp.
Vụ án buôn lậu gỗ ở Đà Nẵng: Đã tích cực giải quyết
Nêu câu hỏi chất vấn có liên quan đến vụ án buôn lậu gỗ, có hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ nhà nước xảy ra ở Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng đã kéo dài 7 năm, Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị muốn biết Viện kiểm sát đã chỉ đạo điều tra, xem xét xử lý như thế nào? Kết quả ra sao? Vì sao đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án vi phạm pháp luật trong xử lý vật chứng vụ án và xử lý trách nhiệm cá nhân tổ chức vi phạm luật tố tụng?
Về nội dung này, Viện trưởng VKSND tối cao nói đây là vụ án có 2 nội dung là buôn lậu gỗ, có hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ nhà nước; quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát sinh 2 hành vi có dấu hiệu bán vật chứng và ép cung, dùng nhục hình. Vấn đề này đại biểu Hoàng Đức Thắng và Hồ Thị Minh đã nhiều lần chất vấn và Viện trưởng VKSND tối cao đã có ý kiến, 3 lần có văn bản gửi văn bản trả lời.
Ông cho biết vụ án này vừa được xét xử. Vụ án kéo dài từ 2 nhiệm kỳ trước do nhiều lý do và hiện đang tiếp tục giải quyết. Đó là việc thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật còn nhiều ý kiến khác nhau và công tác giám định, tương trợ tư pháp hình sự, phát sinh tại phiên tòa những tình tiết mới, nên cần điều tra, xác minh rõ thêm. VKSND cấp cao ở Đà Nẵng đã có một kháng nghị vì cho rằng việc xử các bị cáo khung hình phạt chưa tương xứng về hành vi phạm tội.
Về ép cung, dùng nhục hình, Viện trưởng Lê Minh Trí đã chỉ đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý điều tra và đã xác minh một bước. Tới giờ này chưa khởi tố vụ án là do bản án vụ án buôn lậu gỗ chưa có hiệu lực, mới xét xử sơ thẩm. Nếu chờ tới bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành thì cơ sở pháp lý khởi tố sẽ chắc chắn hơn.
Bồi thường trách nhiệm nhà nước: Phải linh hoạt, giảm bớt thủ tục hành chính
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên xung quanh việc bồi thường trách nhiệm nhà nước, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng làm oan, sai cho người dân là một thiệt hại khó khắc phục. Nhận thức được trách nhiệm của mình, sắp tới Viện trưởng sẽ tăng cường kiểm tra việc này. Ông cũng cho biết những khó khăn trong thực tiễn giải quyết, khi theo quy định có bước thương lượng bồi thường, nhưng một bên áp dụng theo quy định của nhà nước, còn một bên thì tính toán theo chủ quan thiệt hại của mình nên không đến được điểm chung, dẫn tới thời gian kéo dài.
“Vừa rồi tôi chỉ đạo những việc gì liên quan đến thương lượng này, phải chủ động và nếu khó khăn thì báo cáo lên cấp trên để xem xét, giải quyết và không câu lệ”, ông nói thêm.
Viện trưởng Lê Minh Trí xác định một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường oan, sai như sau: Tiếp tục triển khai đầy đủ đúng quy định giải quyết yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu phát hiện có những quy định phù hợp thực tiễn thì kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; chủ động chỉ đạo cán bộ khi giải quyết phải linh hoạt, giảm bớt thủ tục hành chính, ưu tiên quan tâm tới bức xúc của người dân; thể hiện thiện chí, trách nhiệm cao nhất, không chỉ theo quy định; xây dựng phương án đối với từng trường hợp yêu cầu bồi thường, khi có diễn biến phức tạp phải có báo cáo kịp thời cho cấp thẩm quyền để giải quyết dứt điểm chứ không được để kéo dài ở cấp dưới.
Hành chính kiểm sát là hành chính nghiệp vụ
Trả lời chất vấn của Đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên liên quan đến việc có 144 cán bộ, Kiểm sát viên có chức danh kiểm sát nhưng làm công tác tham mưu, tổng hợp. Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, hiện có 63 Chánh Văn phòng của 63 VKSND cấp tỉnh, 3 Chánh Văn phòng của VSKND cấp cao và 63 Trưởng phòng tổ chức, Chánh thanh tra của 63 tỉnh thành và của VKSND tối cao có chức danh kiểm sát.
Theo ông, hành chính kiểm sát là hành chính nghiệp vụ, không phải hành chính đơn thuần chỉ có văn thư, giấy tờ. Vì văn phòng hàng năm phải đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ. Chánh Văn phòng làm trưởng đoàn công tác kiểm tra của Viện trưởng VKSND tối cao khi phân công về kiểm tra công tác hàng năm ở địa phương. Nếu Chánh văn phòng không biết về nghiệp vụ thì khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Thêm nữa, nhiều người phấn đấu gần cả đời mình để có chức danh tư pháp; do nhiệm vụ, cấp trên điều động, biệt phái làm nhiệm vụ khác mà chế độ chính sách bị lấy lại. Thực tế thì những đồng chí này sẽ là nguồn cán bộ để dành, sau đó có thể được luân chuyển làm nghiệp vụ.
Viện trưởng báo cáo Quốc hội đây là vấn đề thực tiễn mà ông còn băn khoăn, lúng túng về chính sách và quy định của luật và cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.