Đối thoại mở giữa Kiểm sát viên và Luật sư nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa
- Thứ hai - 01/10/2018 09:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015, ngày 19/9/2018, VKSND tối cao đã tổ chức cuộc tọa đàm giữa các Kiểm sát viên và đại diện Luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nội dung cuộc tọa đàm là đối thoại, trao đổi, thảo luận cởi mở xung quanh chủ đề này.
Sau đây, Ban Biên tập Tạp chí Kiểm sát trân trọng giới thiệu những nội dung được rút ra từ cuộc tọa đàm.
Kỳ 1: Nâng cao nhận thức các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự
Thứ nhất, những quy định nào của BLTTHS năm 2015 liên quan đến vấn đề tranh tụng có tính chất quyết định tác động vào nhận thức, làm thay đổi tư duy và cách đánh giá của những người tiến hành tố tụng?
Có hai điểm mới quan trọng nhất được quy định trong phần chung của BLTTHS năm 2015 liên quan đến vấn đề tranh tụng có tính chất quyết định tác động vào nhận thức, làm thay đổi tư duy và cách đánh giá của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đó là: (1) Nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13) và nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo (Điều 26), trong đó quy định rất rõ vai trò của các chủ thể tham gia tranh tụng, và đặc biệt là việc các chủ thể tham gia tranh tụng được đưa ra các tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc tranh tụng. (2) Quy định về thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ. Trước đây, chỉ người tiến hành tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ, thì đến nay BLTTHS đã cho phép Luật sư là người có quyền tiến hành thu thập chứng cứ. Tài liệu mà Luật sư thu thập trước đây chỉ được coi là tài liệu thường, nhưng hiện nay BLTTHS năm 2015 đã quy định rất rõ, tài liệu đó có thể được công nhận là chứng cứ trong trường hợp tài liệu này thỏa mãn các điều kiện của chứng cứ theo quy định. Do đó, về nguyên tắc là phải tôn trọng về chủ thể thu thập chứng cứ, tôn trọng tài liệu mà Luật sư thu thập được để xem xét tài liệu đó có thể được xác định là chứng cứ hay không. Có như vậy trong quá trình tranh tụng mới có nhận thức đúng, đánh giá đúng và hành động đúng.
Thứ hai, tranh tụng được bắt đầu từ khi nào? Nhất là tại phiên tòa thì hoạt động tranh tụng được bắt đầu từ thủ tục nào?
Trong quá trình tranh tụng, trách nhiệm của Kiểm sát viên rất lớn, không chỉ bảo đảm tính hợp pháp và giá trị của chứng cứ, các thuộc tính của chứng cứ và chứng minh hành vi có tội hay không có tội, mà có một điểm rất quan trọng nêu trong Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự là ngay trong hồ sơ tài liệu và chứng cứ đánh giá vụ án thì bên cạnh các chứng cứ buộc tội, còn phải xem xét, đánh giá về chứng cứ gỡ tội, những chứng cứ làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Qua đó, đã hình thành nội dung và chủ thể giữa các bên tranh tụng. Theo đó, các Luật sư đưa ra quan điểm và các kiến nghị đề nghị Kiểm sát viên xem xét, do đó, tranh tụng không phải chỉ bắt đầu ở giai đoạn xét xử vụ án.
Căn cứ quy định tại Điều 26 BLTTHS thì tranh tụng bắt đầu từ khi khởi tố vụ án và Điều 26 BLTTHS cũng đã xác định cụ thể các chủ thể tham gia quan hệ tranh tụng. Và tại phiên tòa, tranh tụng được bắt đầu từ phần tiến hành thủ tục phiên tòa.
Thứ ba, liên quan đến quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là việc triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên và những chủ thể khác có liên quan đến phiên tòa để phát biểu ý kiến, việc này đang tạo ra những ý kiến trái chiều?
Thời gian gần đây tại một số phiên tòa, các Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa sẵn sàng chấp thuận đề nghị mời các Điều tra viên, Kiểm sát viên và các chủ thể liên quan khác đến phiên tòa để những người tham gia tố tụng có thể hỏi và làm rõ những vấn đề liên quan đến quá trình tố tụng, quyết định về mặt tố tụng, việc làm này cũng được phía cơ quan Tòa án tạo điều kiện.
Thực tế tại nhiều phiên tòa, tình huống mà các Kiểm sát viên hay gặp phải là phiên tòa phải hoãn để triệu tập những người có liên quan theo đề nghị từ phía Luật sư. Thông thường, Luật sư mong muốn sự có mặt của Giám định viên, thậm chí họ mong muốn triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên đến phiên tòa. Xử lý tình huống này, Tòa án thường xem xét toàn diện, nếu yêu cầu của Luật sư có căn cứ thì phải chấp nhận. Dưới góc độ của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa có hai vấn đề đặt ra: Một là, nếu các Kiểm sát viên cho rằng việc vắng mặt của Giám định viên, Kiểm sát viên, Điều tra viên trong phiên tòa xét xử không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án thì đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử và không chấp nhận yêu cầu triệu tập của Luật sư. Hai là, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập những người đó khi thấy việc đề nghị này là cần thiết, nhất là đối với vụ án có đông bị cáo, thời gian xét xử kéo dài.
Thực tiễn cho thấy, quy định này có tác động tốt, như trong một vụ án cụ thể, khi Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa đã chia sẻ rằng: “... khi phải đứng trước Tòa trả lời những câu hỏi của Luật sư và Hội đồng xét xử thì mới thấy trách nhiệm của mình cao hơn và còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình điều tra vụ án trước đó, mặc dù đã được Viện kiểm sát lưu ý, nhắc nhở nhưng chưa được làm rõ trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi được triệu tập đến phiên tòa thì mới thấy hết giá trị, ý nghĩa của quá trình thu thập chứng cứ trong các giai đoạn tố tụng trước đó”. Qua đó, dưới góc độ các Kiểm sát viên cũng có thể nhìn nhận và đánh giá về trách nhiệm của mình trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án và do đó, có thể nói hiện nay quy định này là hợp lý và có hiệu quả.
Đây cũng là một kỹ năng, kinh nghiệm tốt của nhiều Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với vụ án có đông bị cáo, thời gian xét xử kéo dài, cần được Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy có hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý về nguyên tắc xác định sự vắng mặt hoặc sự cần thiết có mặt của những người cần triệu tập đó có ảnh hưởng đến việc xét xử hay không thì phải căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng chứ không phải bằng nhận định cảm tính cá nhân. Ví dụ, sự có mặt của người bị hại trong vụ án xâm phạm đến tính mạng sức khỏe thì Kiểm sát viên phải đánh giá sự có mặt của người bị hại đó có cần thiết hay không để trong phần đối đáp, phần phát biểu ý kiến đảm bảo tính chính xác, tính có căn cứ.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc nội dung xung quanh chủ đề cuộc tọa đàm về: Kinh nghiệm và văn hóa ứng xử của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa.